Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu? Bảo quản thế nào là đúng?

 

 

Tất cả các bà mẹ đều mong muốn con mình được lớn lên bằng sữa mẹ vì đây là nguồn dinh dưỡng tốt và an toàn nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng có thể thực hiện việc trực tiếp cho con bú vì còn phụ thuộc vào tính chất công việc. Vậy nên, nhiều bà mẹ đã thực hiện phương pháp tích trữ sữa trong tủ lạnh để lưu trữ được lâu hơn, tránh vi khuẩn xâm nhập. Vậy sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu, bảo quản như thế nào là đúng để không bị mất dinh dưỡng và biến chất? 

Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu? 

Nhìn chung, sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng sữa cần bảo quản, vật dụng bảo quản sữa, nhiệt độ phòng khi vắt sữa, nhiệt độ bảo quản trong tủ lạnh và độ sạch của môi trường. Nhiệt độ tủ lạnh càng thấp thì thời gian bảo quản sữa mẹ càng được lâu hơn. 

 

Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố 

Thông thường, sữa mẹ khi mới được hút ra nếu đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh với mức nhiệt độ thấp hơn 4℃ thì có thể lưu trữ trong thời gian từ 3 - 5 ngày. Nếu để trong ngăn đá tủ lạnh sẽ giữ được khoảng 3 tháng. Mặt khác, nếu sử dụng tủ đông chuyên biệt để lưu trữ (nhiệt độ <-18℃) thì thời gian bảo quản có thể lên tới 6 tháng. Như vậy, sữa mẹ có thể lưu trữ được khá lâu nếu biết cách bảo quản đúng.  

Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng 

Trong quá trình bảo quản đôi khi sẽ khó tránh khỏi những trường hợp sữa mẹ bị hư hỏng. Nếu mẹ không nhận biết được các dấu hiệu của sữa bị hỏng để loại bỏ đi thì khi cho con dùng, nguy cơ xảy ra những hiểm họa khó lường đến sức khỏe của bé sẽ rất cao. Vì vậy, các mẹ hãy lưu lại những dấu hiệu cảnh báo sữa mẹ bị hỏng sau đây để dễ dàng nhận biết và loại bỏ chúng: 

Sữa quá thời hạn bảo quản 

Sau mỗi lần hút sữa rồi đóng vào bình hoặc túi để bảo quản, các mẹ sẽ cần ghi chú lại ngày giờ để tiện theo dõi thời hạn bảo quản phù hợp với điều kiện môi trường. Nếu nhận thấy lượng sữa lưu trữ đã quá hạn bảo quản, các mẹ không nên tiếc mà đem ra sử dụng tiếp, hãy loại bỏ chúng đi để đảm bảo sức khỏe cho em bé. 

 

Nên ghi chú thời gian chi tiết để tiện theo dõi khi bảo quản sữa mẹ 

Sữa mẹ có mùi chua, vị lạ  

Đặc tính của sữa mẹ có màu trắng ngà, mùi thơm dễ chịu và không chua. Vì vậy, nếu mở bình hoặc túi trữ sữa mà các mẹ nhìn thấy sữa bị nhớt, có mùi tanh chua khó chịu thì chắc chắn sữa đã bị hỏng.  

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến mùi chua của sữa mẹ như: 

  • Do chế độ ăn uống của mẹ: Nếu mẹ ăn nhiều các loại thực phẩm có mùi tanh, nồng như cá, uống dầu cá, tỏi, ớt, đồ cay nóng,... thì mùi sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng, không những không có mùi thơm mà còn có thể có mùi chua, tanh.  
  • Do mẹ sử dụng nhiều thuốc kháng sinh: Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ tiêu hóa và hệ bài tiết trong cơ thể mẹ, làm giảm chất lượng của sữa. 
  • Do mẹ vệ sinh bầu ngực chưa sạch sẽ: sữa còn đọng lại sau quá trình vắt sữa hoặc bị rỉ ra vì sữa xuống nhiều mà không được vệ sinh kỹ càng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng và mùi hương của sữa mẹ. 
  • Do sữa mẹ không được bảo quản đúng cách: Sữa mẹ được bảo quản quá lâu hoặc được chứa trong các bình trữ, túi trữ hay máy hút sữa không đảm bảo vệ sinh thì chất lượng và mùi vị của sữa mẹ sẽ bị giảm sút. Trong những trường hợp này, các mẹ tuyệt đối không nên cho con mình sử dụng để tránh xảy ra các vấn đề xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.  

Bên cạnh việc kiểm tra chất lượng sữa bằng mắt thường hoặc bằng khứu giác, các mẹ cũng có thể nếm thử để đánh giá xem sữa mẹ có bị hỏng hay không. Thông thường, sữa mẹ sẽ có mùi thơm đặc trưng, hơi béo ngậy, vị nhạt. Nếu khi nếm thấy có vị khác lạ thì có thể sữa đã bị hỏng, chất lượng sữa lúc này đã không còn được đảm bảo nữa. 

Sữa mẹ bị nổi váng 

Sữa mẹ có chứa hàm lượng chất béo khá lớn nên việc chúng tách lớp sau khi rã đông và nổi lên trên là một hiện tượng bình thường. Nếu mẹ lắc bình sữa lên và thấy lớp chất béo này hòa vào cùng với sữa thì mẹ có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng sữa. Lúc này mẹ chỉ cần đem sữa đi làm ấm sữa và cho bé ăn bình thường.  

Tuy nhiên nếu khi mẹ lắc bình sữa mà không thấy lớp chất béo này hòa cùng với sữa thì rất có thể sữa mẹ đã bị hỏng. Khi đó, mẹ tuyệt đối không nên cho con ăn sữa này nữa và đem loại bỏ chúng đi. 

Ngoài ra, có một số trường hợp sữa mẹ đã rã đông và xuất hiện cặn trắng. Mẹ đừng quá lo lắng vì đây là một dấu hiệu bình thường, báo hiệu rằng mẹ đang uống ít nước khiến cho sữa đặc hơn và khó tan. Lúc này mẹ cần lưu ý điều chỉnh lại lượng nước uống mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý và có thể cho con ăn sữa bình thường. 

Trẻ quấy khóc, không chịu ăn sữa 

Vị giác của trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm. Nếu thấy con quấy khóc, không chịu ăn sữa thì rất có khả năng lượng sữa này đã bị hư hỏng, có mùi vị khó chịu khiến bé không muốn bú. 

 

Nếu con không chịu ti sữa, rất có thể sữa mẹ trữ lạnh đã bị hỏng quá hạn 

Hướng dẫn cách bảo quản và sử dụng sữa mẹ trong ngăn mát 

Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu? Để đảm bảo thời gian lưu trữ tốt nhất cũng như có thể giữ được các chất dinh dưỡng và mùi vị nguyên chất của sữa mẹ, các mẹ nên tuân thủ những nguyên tắc sau đây: 

  • Vệ sinh, tiệt trùng và khử khuẩn các dụng cụ hút và trữ sữa: Mẹ cần vệ sinh các dụng cụ như bình hút sữa, phễu hút sữa, bình hoặc túi trữ sữa trước khi tiến hành hút sữa cho con. Đồng thời nên vệ sinh sạch sẽ bầu ngực trước khi hút sữa để ngăn chặn tối đa nguy cơ vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, sau khi hoàn tất quy trình hút sữa và đóng gói bảo quản, mẹ cũng nên vệ sinh sạch sẽ và tiệt trùng cho các dụng cụ trên để đảm bảo an toàn cho những lần sử dụng tiếp theo. 
  • Sử dụng túi hoặc bình chứa sữa chuyên dụng: Mẹ nên sử dụng các túi hoặc bình trữ sữa chuyên dụng vì chúng được làm bằng vật liệu an toàn cho sức khỏe của bé, ngay cả khi rã đông hay hâm nóng sữa cũng không lo độc hại; đồng thời cũng ngăn ngừa tối đa khả năng xâm nhập của vi khuẩn. 
  • Đong vừa đủ lượng sữa bé ti trong mỗi túi: Mẹ chỉ nên đong đủ lượng sữa bé ti trong một lần vào các túi hoặc bình trữ để tránh lãng phí và có kế hoạch sử dụng phù hợp. Như vậy mỗi lần cho con ăn, mẹ sẽ không lo thiếu cũng không lo thừa. Đặc biệt, sữa mẹ sau khi hâm nóng chỉ có thể sử dụng trong một giờ. Vậy nên nếu sử dụng không hết, mẹ hãy đổ bỏ đi và không nên bảo quản lại trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. 
  • Lưu ý về thời gian và cách bảo quản: Các mẹ nên ghi chú cẩn thận thời gian hút sữa và tuyệt đối không hòa lẫn sữa mẹ mới hút với các sữa đã được trữ trong tủ. 

 

Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu? - Bảo quản đúng cách để tối ưu hiệu quả 

Bật mí cách rã đông sữa mẹ đúng cách 

Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu? Rã đông như thế nào là đúng? Trả lời cho các thắc mắc trên, các mẹ cần lưu ý thực hiện đúng phương pháp rã đông và hâm nóng sữa trữ lạnh nhằm đảm bảo giữ được nguyên vẹn các chất dinh dưỡng, lợi khuẩn và kháng thể có trong sữa mẹ. Có 2 cách cụ thể như sau: 

  • Cách 1: Mẹ có thể lấy sữa ra ngoài tủ lạnh khoảng 30 phút cho đỡ lạnh rồi ngâm với nước ở khoảng 40℃. 
  • Cách 2: Ngay khi vừa mới bỏ ra ngoài tủ lạnh, ngâm với nước bình thường khoảng 5 phút (thay 2 lần nước), sau đó tiếp tục ngâm với nước ấm khoảng 5 phút (thay 2 lần nước). Cuối cùng, ngâm với nước 40℃ khoảng 5 phút (cũng thay 2 lần nước). Như vậy sau 15 phút, em bé sẽ có thể ăn sữa ngay mà không phải chờ đợi quá lâu. 

Ngoài ra các mẹ cũng nên lưu ý thêm rằng, tuyệt đối không làm tan sữa nhanh bằng bất kỳ cách nào. Bởi khi thay đổi nhiệt độ sữa một cách quá nhanh và đột ngột, sữa mẹ sẽ mất dần những dưỡng chất và kháng thể quan trọng. Bên cạnh đó, sữa sau khi được hâm nóng chỉ có thể sử dụng trong 1 giờ. Nếu trong thời gian trên mà con không ăn hết, mẹ hãy bỏ lượng sữa thừa đi và tuyệt đối không bảo quản lại trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh. 

 

Chuẩn bị sữa cho con ti đúng cách sẽ giữ nguyên được dưỡng chất trong sữa mẹ 

Tổng kết 

Sữa mẹ luôn là sự lựa chọn tốt và hoàn hảo nhất cho sức khỏe và sự phát triển của con yêu. Bằng cách tuân thủ đúng các nguyên tắc bảo quản và sử dụng sữa trữ lạnh, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm rằng con yêu sẽ luôn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để khỏe mạnh và lớn lên an toàn. Hy vọng bài viết trên của PregCandy đã cung cấp cho mẹ những thông tin cần thiết cho thắc mắc sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu. Chúc mẹ và bé yêu có một hành trình mới khỏe mạnh và đầy ắp kỷ niệm.