Các chuyên gia phụ sản khuyến cáo chị em phụ nữ nên đi khám tiền sản trước khi quyết định sinh con. Điều này giúp biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của mình cũng như phát hiện những bất thường để xử lý kịp thời.
Các chuyên gia phụ sản khuyến cáo chị em phụ nữ nên đi khám tiền sản trước khi quyết định sinh con. Điều này giúp biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của mình cũng như phát hiện những bất thường để xử lý kịp thời. Vậy khám tiền sản là gì? Cần chuẩn bị những gì khi đi khám tiền sản. Cùng chúng tôi đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Khám tiền sản hay còn gọi là khám trước khi mang thai chính là kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai với mục đích kiểm tra các vấn đề bất thường và nguy cơ xấu xảy ra cho mẹ và bé trong quá trình thai nghén.
Bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả sau khi thăm khám để đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng lựa chọn thời điểm mang thai phù hợp. Trong quá trình tư vấn nếu bạn có những thắc mắc như chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, các loại thuốc nên sử dụng thì bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ phụ trách.
Tại sao cần khám tiền sản
Dưới góc nhìn y khoa, khám sức khỏe tiền sản không chỉ thể hiện trách nhiệm với sức khỏe bản thân mà còn là trách nhiệm đối với bạn đời, với hạnh phúc hôn nhân và sức khỏe của đứa trẻ mình sẽ sinh ra.
Theo đó, việc khám tiền sản sẽ mang lại những lợi ích:
Giúp các cặp đôi có thêm kiến thức, sự tự tin và thoải mái trong đời sống vợ chồng.
Phát hiện và tầm soát nguy cơ các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, giang mai, lậu, HIV,… đảm bảo không lây nhiễm bệnh cho bạn đời và đặc biệt con cái khi mang thai.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát, có kế hoạch chuẩn bị mang thai khoa học, phòng ngừa hiệu quả những nguy cơ tiềm ẩn có thể đe dọa mẹ và bé trong suốt thời gian mang thai.
Đánh giá nguy cơ vô sinh hiếm muộn để có biện pháp can thiệp kịp thời và tăng khả năng điều trị thành công.
Thời điểm vàng khám tiền sản tốt nhất
Thực tế, có nhiều cặp đôi còn có tâm lý e ngại về việc khám tiền sản hoặc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chỉ khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì mới đi thăm khám. Lúc này, khả năng bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho việc điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, các cặp đôi không nên chủ quan hoặc chần chừ khám tiền sản mà hãy đi khám ngay khi có ý định sinh em bé ít nhất từ 3 – 6 tháng. Những vấn đề về sức khỏe từ cha hoặc mẹ đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu và gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi là tương đương nhau.
Khám tiền sản gồm những gì?
Tất cả các cơ quan trong cơ thể là một thể thống nhất và có liên quan mật thiết với nhau. Đó là lý do vì sao các cặp vợ chồng cần khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai để phát hiện nhưng bệnh lý ở các cơ quan khác có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản hay không.
Các bước kiểm tra bao gồm:
Khai thác thông tin bệnh sử của hai vợ chồng: đã từng phẫu thuật điều trị bệnh gì hay chưa, từng mắc bệnh gì hay chưa, kinh nguyệt người vợ ra sao, môi trường làm việc hiện tại có độc hại hay không,…
Đo huyết áp, kiểm tra tim mạch, chiều cao, cân nặng, test nhóm máu, thị lực
Xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm ổ bụng,… giúp thăm dò và kiểm tra các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai của người mẹ.
Các cặp đôi cần cung cấp thông tin liên quan đến lịch sử tiêm phòng vaccine như quai bị, sởi, cúm, thủy đậu,... Bởi vì nếu không may mắc phải những bệnh này trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
Khám sức khỏe sinh sản
Kiểm tra sức khỏe sinh sản bao gồm đánh giá cấu trúc và chức năng của bộ phận sinh dục, sàng lọc những bệnh lây lan qua đường tình dục, tầm soát tầm soát nguy cơ viêm nhiễm bộ phận sinh dục có thể tác động đến sức khỏe của mẹ và bé. Cụ thể như:
Siêu âm tử cung, buồng trứng để kiểm tra các cơ quan này có đang mắc bệnh gì hay không.
Kiểm tra phụ khoa xem có biểu hiện viêm nhiễm nào không.
Đánh giá chức năng hoạt động của buồng trứng, phát hiện sớm các rối loạn nội tiết buồng trứng.
Tầm soát nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung,...
Kiểm tra dương vật, tình hoàn, khả năng xuất tinh, cương cứng đồng thời làm xét nghiệm tinh dịch đồ để đánh giá chất lượng tinh trùng và cơ hội thụ thai.
Đánh giá bệnh lý di truyền
Việc đánh giá bệnh lý di truyền cho biết tác dụng tiên lượng nguy cơ đứa trẻ sau này có khả năng mắc các bệnh di truyền bẩm sinh hay không, qua đó đưa ra tư vấn, định hướng phù hợp. Một số bệnh lý di truyền như:
Dị tật hình thái bẩm sinh ở trẻ như hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh, trật khớp háng, nứt đốt sống, chân bị khoèo,…
Hội chứng Down, chậm phát triển tâm thần,…
Bệnh lý di truyền như máu khó đông, thalassemia, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, thiếu men G6PD, thiểu năng giáp bẩm sinh,...
Tiền sử thai lưu, sảy thai, tử vong chu sinh,...
Dựa vào các kết quả thu thập được bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp cho các cặp đôi về định hướng điều trị nếu có bất thường xảy ra. Cùng với đó là chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng khoa học đảm bảo cả hai đều có đủ chất.
Khám tiền sản cần chuẩn bị những gì?
Có rất nhiều người đi khám tiền sản sẽ lo lắng và áp lực trước khi đi. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho mình một tâm trạng thoải mái, tích cực, đón nhận mọi thông tin theo cách khách quan nhất.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý một số điều sau:
Các loại giấy tờ sức khỏe: giấy tiêm chủng, kết quả khám sức khỏe gần nhất.
Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm máu: chị em cần nhịn ăn ít nhất trước 8h, tốt nhất nên uống nước lọc trước khi thực hiện xét nghiệm. Khi đã mang thai, khám định kỳ chị em cũng nên nhớ để chuẩn bị bước này.
Các loại thuốc đang sử dụng cũng nên dừng trước ngày lấy máu. Đối với những người đang sử dụng thuốc huyết áp thì không cần chú ý điều này.
Uống nhiều nước, cố gắng nhịn tiểu để thực hiện siêu âm, phân tích nước tiểu. Điều này cũng giúp cho quá trình xét nghiệm nước tiểu thuận lợi hơn.
Bạn nên tránh đeo trang sức khi đo điện tâm đồ, chụp Xquang.
Nên lựa chọn việc đi khám trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt 5 ngày để giúp cho quá trình xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo có kết quả chính xác nhất.
Những lưu ý khi khám tiền sản mà mẹ cần nhớ
Để tiết kiệm thời gian thăm khám nhưng vẫn đảm được hiệu quả thì các cặp đôi cần lưu ý rằng:
Không đi khám khi người vợ đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang đặt thuốc viêm phụ khoa.
Trước khi thăm khám cần kiêng quan hệ tình dục khoảng 3 ngày.
Không uống rượu bia, hút thuốc lá, hoặc dùng chất kích thích trước khi khám.
Để đảm bảo kết quả chính xác các xét nghiệm chính xác cả hai cần nhịn ăn ít nhất khoảng 6 tiếng trước khi đi khám.
Cần nhịn tiểu khoảng 1 tiếng, uống nhiều nước trước khi siêu âm ổ bụng nếu đang dùng thuốc điều trị hãy tạm thời ngưng sử dụng thuốc trước ngày lấy máu (trừ thuốc huyết áp).
Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái để thuận tiện hơn cho việc thăm khám.
Như vậy các bạn đã biết khám tiền sản là gì và những điều cần chuẩn bị trước khi khám tiền sản. Mang thai là cả một quá trình dài để đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra trong suốt quá trình các cặp vợ chồng cần khám tiền sản trước khi mang thai là điều rất quan trọng.